Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
2238
Hôm qua:
5727
Tuần này:
7965
Tháng này:
79701
Tất cả:
6910925

Lễ hội rước kiệu vua Bà - Phủ Tía

Ngày 04/02/2015 14:11:43

Tháng 2 âm lịch hàng năm du khách thập phương lại nô nức kéo về vùng Vân Cổn, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) cùng với nhân dân địa phương tham gia lễ hội rước kiệu vua Bà tại phủ Tía. Lễ hội thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của hậu thế đối với vị nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

 
1 Nhà tôi ở ngay dưới chân ngàn Nưa hùng vĩ, quanh năm mây vờn. Ngày còn bé tôi vẫn thường nghe mẹ ru “Con ngoan con ngủ cho lành, để mẹ lấy nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi, coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.” Bao giờ cũng thế, cứ sau mỗi lời ầu ơ ấy sẽ là những thắc mắc ngây ngô không đầu không cuối của trẻ con, và thế là giọng mẹ lại đều đều với những huyền tích về vị vua Bà. Những lúc như thế, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi, bà Triệu Trinh Nương lại hiện lên uy nghi, lẫm liệt, cưỡi trên đầu con voi trắng một ngà, khua gươm, múa giáo, hiệu triệu ngàn binh đánh đuổi quân xâm lược, giành lại giang sơn bờ cõi cho dân tộc.
 
Lớn lên một chút, cứ mỗi độ tháng Hai về tôi lại háo hức theo mẹ và dân làng đội mâm quả, hương vàng lên phủ Tía cúng lễ vua Bà. Trong khói trầm nghi ngút, mẹ và mọi người thành kính chắp tay, lầm rầm khấn vái. Mẹ bảo tôi cũng phải chắp tay theo mẹ, làm như vậy để tỏ lòng thành kính, tri ân đối với những người đã có công đánh giặc giữ nước và cầu mong vua Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Mãi sau này tôi mới biết, sở dĩ người dân quê tôi lập đền thờ vua Bà tại đây là bởi, theo truyền thuyết kể lại thì đây vốn là tiền đồn kiểm soát mọi hoạt động trước khi vào căn cứ địa của nghĩa quân nằm sâu trong dãy ngàn Nưa.
 
2 Tôi về lại quê đúng dịp hội làng. Mẹ nay tóc đã như mây, dẫu không còn đủ sức đội mâm lễ, nhưng vẫn khăn áo chỉnh tề, bỏm bẻm nhai trầu theo dân làng lên núi lễ vua Bà trong làn mưa bay. Phủ Tía rêu phong trầm mặc soi bóng xuống tả ngạn dòng Lãng giang lờ lững. Núi Tía không cao lắm và chỉ rộng chừng 2 km vuông. Ngay dưới chân núi là đền thờ Triệu Trinh Nương, phía đỉnh núi là đền thờ anh trai bà - Triệu Quốc Đạt.
 
Tôi theo mẹ vào thắp hương lễ vua Bà, rồi lại theo đoàn rước kiệu ngược lên phía đỉnh núi. “Đám rước năm nay lớn hơn mọi năm thì phải?!”, nhìn đám rước rình rang có đội múa lân, lại có cả đoàn văn công từ tỉnh về diễn tích, mẹ kéo áo tôi nói nhỏ như vậy. Đất nước đổi mới, kinh tế của quê mình đang ngày một khởi sắc nên đám rước năm nay lớn hơn âu cũng là một điều gì đó có tính “tất, lẽ, dĩ, ngẫu” thôi mà mẹ, tôi thầm lý giải điều mẹ hỏi  trong suy nghĩ.
 
Mặc dù đã có nhiều nét mới nhưng lễ rước kiệu vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có từ ngàn đời nay của lễ hội phủ Tía. Kiệu vẫn được 8 nam thanh và 12 nữ tú khiêng. Tất cả đều mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất. Vào phần lễ, người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp theo có kiệu song loan, trên kiệu có áo chầu và các hộp sắc phong với 8 người khiêng, 2 người vác lọng che hương án, trên kiệu có bát hương, trầu cau hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thủy, có trống, chiêng và đội quân với 32 người vác gươm, bát bửu, dùi đồng đi hai bên. Kiệu sẽ được rước từ đền chính lên tới đỉnh núi, rồi sau đó quay trở về đền chính.
 
Ngoài phần lễ thì trong phần hội có các trò chơi truyền thống dân gian như kéo co, chơi cờ tướng, các trò diễn dân gian truyền thống do người dân quê tôi biểu diễn… Đây là những trò chơi tái hiện lại hào khí chống quân Ngô dưới thời Vua bà.
 
Gặp tôi giữa biển người đi trẩy hội, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn Đặng Minh Ân không giấu được niềm vui, tâm sự: “Quê mình giờ đã đổi thay nhiều lắm. Hầu hết người dân trong làng, ngoài xã đều vững về kinh tế, con em học hành đỗ đạt… đấy cũng là một phần nhờ vua Bà phù hộ độ trì. Nói vui vậy thôi, nhưng mình muốn thông qua lễ hội này sẽ góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và một điều quan trọng nữa là tinh thần dân tộc vẫn phải được vận dụng và phát huy trong thời đại mới!”
Tôi rời quê sau bữa cơm chiều ấm cúng, tiếng hò reo của đám trẻ hòa trong tiếng trống hội vẫn làm dậy một vùng núi Tía. Mẹ nắm tay tôi nhắn nhủ: “Năm sau, có bận mấy thì cũng nhớ về đưa mẹ đi lễ vua Bà con nhé!”
 
 
Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đền thờ Bà Triệu (phủ Tía) đã phải thay đổi nhiều về mặt kiến trúc cũng như hình thể. Nhưng cùng với sự quan tâm của cơ quan chức năng tại địa phương, đặc biệt là những tấm lòng hảo tâm, di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu đã được trùng tu khá khang trang. Với những ý nghĩa to lớn của di tích và lễ hội phủ Tía, năm 1993 Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh. Cũng trong thời gian từ 21 đến 23 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại đền Bà Triệu dưới chân núi Tùng (thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) người dân xứ Thanh cũng long trọng tổ chức Lễ hội đền Bà Triệu, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh khí phách của người nữ Anh hùng dân tộc.
 
 
Nguyễn Chung- báo Văn hóa đời sống

Lễ hội rước kiệu vua Bà - Phủ Tía

Đăng lúc: 04/02/2015 14:11:43 (GMT+7)

Tháng 2 âm lịch hàng năm du khách thập phương lại nô nức kéo về vùng Vân Cổn, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) cùng với nhân dân địa phương tham gia lễ hội rước kiệu vua Bà tại phủ Tía. Lễ hội thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của hậu thế đối với vị nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

 
1 Nhà tôi ở ngay dưới chân ngàn Nưa hùng vĩ, quanh năm mây vờn. Ngày còn bé tôi vẫn thường nghe mẹ ru “Con ngoan con ngủ cho lành, để mẹ lấy nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi, coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.” Bao giờ cũng thế, cứ sau mỗi lời ầu ơ ấy sẽ là những thắc mắc ngây ngô không đầu không cuối của trẻ con, và thế là giọng mẹ lại đều đều với những huyền tích về vị vua Bà. Những lúc như thế, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi, bà Triệu Trinh Nương lại hiện lên uy nghi, lẫm liệt, cưỡi trên đầu con voi trắng một ngà, khua gươm, múa giáo, hiệu triệu ngàn binh đánh đuổi quân xâm lược, giành lại giang sơn bờ cõi cho dân tộc.
 
Lớn lên một chút, cứ mỗi độ tháng Hai về tôi lại háo hức theo mẹ và dân làng đội mâm quả, hương vàng lên phủ Tía cúng lễ vua Bà. Trong khói trầm nghi ngút, mẹ và mọi người thành kính chắp tay, lầm rầm khấn vái. Mẹ bảo tôi cũng phải chắp tay theo mẹ, làm như vậy để tỏ lòng thành kính, tri ân đối với những người đã có công đánh giặc giữ nước và cầu mong vua Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Mãi sau này tôi mới biết, sở dĩ người dân quê tôi lập đền thờ vua Bà tại đây là bởi, theo truyền thuyết kể lại thì đây vốn là tiền đồn kiểm soát mọi hoạt động trước khi vào căn cứ địa của nghĩa quân nằm sâu trong dãy ngàn Nưa.
 
2 Tôi về lại quê đúng dịp hội làng. Mẹ nay tóc đã như mây, dẫu không còn đủ sức đội mâm lễ, nhưng vẫn khăn áo chỉnh tề, bỏm bẻm nhai trầu theo dân làng lên núi lễ vua Bà trong làn mưa bay. Phủ Tía rêu phong trầm mặc soi bóng xuống tả ngạn dòng Lãng giang lờ lững. Núi Tía không cao lắm và chỉ rộng chừng 2 km vuông. Ngay dưới chân núi là đền thờ Triệu Trinh Nương, phía đỉnh núi là đền thờ anh trai bà - Triệu Quốc Đạt.
 
Tôi theo mẹ vào thắp hương lễ vua Bà, rồi lại theo đoàn rước kiệu ngược lên phía đỉnh núi. “Đám rước năm nay lớn hơn mọi năm thì phải?!”, nhìn đám rước rình rang có đội múa lân, lại có cả đoàn văn công từ tỉnh về diễn tích, mẹ kéo áo tôi nói nhỏ như vậy. Đất nước đổi mới, kinh tế của quê mình đang ngày một khởi sắc nên đám rước năm nay lớn hơn âu cũng là một điều gì đó có tính “tất, lẽ, dĩ, ngẫu” thôi mà mẹ, tôi thầm lý giải điều mẹ hỏi  trong suy nghĩ.
 
Mặc dù đã có nhiều nét mới nhưng lễ rước kiệu vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có từ ngàn đời nay của lễ hội phủ Tía. Kiệu vẫn được 8 nam thanh và 12 nữ tú khiêng. Tất cả đều mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất. Vào phần lễ, người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp theo có kiệu song loan, trên kiệu có áo chầu và các hộp sắc phong với 8 người khiêng, 2 người vác lọng che hương án, trên kiệu có bát hương, trầu cau hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thủy, có trống, chiêng và đội quân với 32 người vác gươm, bát bửu, dùi đồng đi hai bên. Kiệu sẽ được rước từ đền chính lên tới đỉnh núi, rồi sau đó quay trở về đền chính.
 
Ngoài phần lễ thì trong phần hội có các trò chơi truyền thống dân gian như kéo co, chơi cờ tướng, các trò diễn dân gian truyền thống do người dân quê tôi biểu diễn… Đây là những trò chơi tái hiện lại hào khí chống quân Ngô dưới thời Vua bà.
 
Gặp tôi giữa biển người đi trẩy hội, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn Đặng Minh Ân không giấu được niềm vui, tâm sự: “Quê mình giờ đã đổi thay nhiều lắm. Hầu hết người dân trong làng, ngoài xã đều vững về kinh tế, con em học hành đỗ đạt… đấy cũng là một phần nhờ vua Bà phù hộ độ trì. Nói vui vậy thôi, nhưng mình muốn thông qua lễ hội này sẽ góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và một điều quan trọng nữa là tinh thần dân tộc vẫn phải được vận dụng và phát huy trong thời đại mới!”
Tôi rời quê sau bữa cơm chiều ấm cúng, tiếng hò reo của đám trẻ hòa trong tiếng trống hội vẫn làm dậy một vùng núi Tía. Mẹ nắm tay tôi nhắn nhủ: “Năm sau, có bận mấy thì cũng nhớ về đưa mẹ đi lễ vua Bà con nhé!”
 
 
Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đền thờ Bà Triệu (phủ Tía) đã phải thay đổi nhiều về mặt kiến trúc cũng như hình thể. Nhưng cùng với sự quan tâm của cơ quan chức năng tại địa phương, đặc biệt là những tấm lòng hảo tâm, di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu đã được trùng tu khá khang trang. Với những ý nghĩa to lớn của di tích và lễ hội phủ Tía, năm 1993 Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh. Cũng trong thời gian từ 21 đến 23 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại đền Bà Triệu dưới chân núi Tùng (thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) người dân xứ Thanh cũng long trọng tổ chức Lễ hội đền Bà Triệu, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh khí phách của người nữ Anh hùng dân tộc.
 
 
Nguyễn Chung- báo Văn hóa đời sống